Bắt nhịp sự lên ngôi của thanh toán điện tử, thời gian qua, độ “phủ sóng” của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch, mua sắm đã trở nên rất phổ biến và được đông đảo người tiêu dùng Yên Bái ưu tiên lựa chọn.
Cán bộ Agribank Chi nhánh huyện Văn Yên hướng dẫn người dân xã Ngòi A sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Hướng đến tiêu dùng văn minh, hiện đại
Ngày cuối tuần, anh Nguyễn Hùng Anh, tổ 2, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái cùng cả gia đình đi mua sắm ở Siêu thị Dũng Linh, thành phố Yên Bái. Sau khi đã lựa chọn xong các sản phẩm cần mua, anh ra quầy thanh toán và sử dụng điện thoại quét mã QR và nhập số tiền cần trả.
Anh Hùng Anh cho biết: “Hầu hết các siêu thị, cửa hàng, cơ sở kinh doanh hiện nay đều chấp nhận thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, qua các app thanh toán trực tuyến. Do đó, đã hai năm nay, tôi thường sử dụng hình thức thanh toán này bởi thấy rất tiện ích, vừa nhanh chóng lại khá an toàn”.
Nếu như trước đây, người dân luôn phải mang theo nhiều tiền mặt khi đi ăn uống, mua sắm thì hiện nay, chiếc điện thoại di động sẽ đảm nhiệm chức năng đó. Các cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng và các chợ truyền thống đã cơ bản chuyển sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người bán và người mua.
Chị Nguyễn Thị Phượng – tiểu thương buôn bán tại chợ Sơn Thịnh, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn cho biết: “Trước đây để thanh toán bằng tài khoản, những tiểu thương như chúng tôi thường phải ghi số tài khoản ngân hàng ra giấy hoặc đọc số tài khoản cho người mua hàng, do đó thời gian thực hiện giao dịch lâu hơn việc sử dụng tiền mặt, có khi lại nhầm lẫn. Nay chúng tôi được cấp các mã QR, khách hàng chỉ cần quét mã là có thể thực hiện được giao dịch mà người bán hàng không phải vất vả tìm tiền lẻ trả lại. Điều này cũng tránh tình trạng nhầm lẫn hay tiền rách, tiền giả”.
Cùng với đó, phần lớn các khoản sinh hoạt chi tiêu trong gia đình như: tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, tiền học phí của con… đều được người dân thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Từ sự tiện lợi, an toàn khi sử dụng “tài khoản di động” đã giúp việc thanh toán không tiền mặt ngày càng trở nên quen thuộc với mọi người, mọi nhà. Câu cửa miệng hay đùa là “chả có tiền” nhiều khi mang nghĩa là không mang tiền mặt mà người mua, người bán đều hỉ hả.
Xu hướng tất yếu thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số
Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu thế tất yếu. Hiện tại, hạ tầng ứng dụng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến với đa dạng phương thức như: tài khoản ngân hàng, quét mã QR, Mobile Money, ví điện tử, thẻ tín dụng…
Tỉnh Yên Bái cũng đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của việc thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt thúc đẩy thương mại điện tử, thương mại số. UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Đến nay, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã có tài khoản giao dịch tại các chi nhánh ngân hàng thương mại đạt 58,6% (kế hoạch năm 2025 đạt trên 80%); số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt đạt 329 điểm (kế hoạch năm 2025 đạt 600 điểm); tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 23,5%/năm (kế hoạch năm 2025 đạt 20-25%/năm).
Cùng với đó, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương thức thành toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 33% (kế hoạch năm 2025 đạt 40%). Tổng số tài khoản di động giao dịch bằng thiết bị điện thoại thông minh là 83.396 tài khoản. Tổng số điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt là 9.073 điểm. Tổng số điểm nạp, rút tiền là 1.404 điểm.
Để mở rộng việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, hướng dẫn về hình thức thanh toán; đa dạng hóa và gia tăng tiện ích các dịch vụ thanh toán đảm bảo an toàn, nhanh chóng, bảo mật thông tin. Mạng lưới ATM và POS được lắp đặt theo hướng mở rộng đối tượng phục vụ và được phân bổ khá hợp lý, tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Trên địa bàn huyện Văn Yên năm 2023 đã có trên 1.460 khách hàng sử dụng dịch vụ thu hộ tiền điện, nước, viễn thông qua tài khoản Ngân hàng Agribank Văn Yên. Số tài khoản thanh toán tại Agribank trên địa bàn huyện Văn Yên đạt 37.931 tài khoản; có 129 đơn vị trả lương qua tài khoản tại Agribank; số khách hàng đăng ký dịch vụ Agribank E-Mobile Banking đạt 26.236 khách hàng.
Ông Nguyễn Quốc Chí – Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Văn Yên cho biết: “Thời gian qua, Agribank Chi nhánh huyện Văn Yên đã triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ nhằm cung ứng kênh thanh toán, phương tiện thanh toán hiện đại, giảm tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán. Cùng với đó, đơn vị cũng đã tích cực tuyên truyền, giúp những người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận và sử dụng dịch vụ thanh toán cũng như dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại, từ đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện”.
Tỉnh Yên Bái đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, giai đoạn 2021-2025, làm tốt công tác thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội trên địa bàn.
Việc thực hiện Đề án còn tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ, đảm bảo hoạt động thanh toán ổn định, an toàn, thông suốt. Qua đó tạo điều kiện thúc đẩy, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư, góp phần phát triển đồng bộ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đưa mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái sẽ sớm trở thành hiện thực và những công dân số Yên Bái sẽ có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Nguồn: Trang Chuyển đổi số Tỉnh Yên Bái