Chuyển đổi số tỉnh Yên Bái
Báo Yên Bái | 16:53 25/12/2024
Hiện nay, chuyển đổi số (CĐS) không còn xa lạ với mọi người. Không riêng khu vực đô thị, CĐS đã và đang len lỏi tới từng thôn bản, tổ dân phố, thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị, từng bước hướng tới xây dựng xã nông thôn mới thông minh, thôn nông thôn mới thông minh, tổ dân phố số.
Khe Bành – một thôn đặc biệt khó khăn của xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên với 100% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Mặc dù điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn nhưng thực hiện định hướng của tỉnh, huyện và xã, Khe Bành đã bám sát Bộ tiêu chí tạm thời thôn, tổ dân phố CĐS do UBND huyện ban hành để lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Có sự quyết tâm cao từ huyện đến cơ sở, tháng 7/2022, Khe Bành đã trở thành thôn đầu tiên của huyện Văn Yên đạt tiêu chuẩn “Thôn CĐS”.
Ông Triệu Chằn Ton – Bí thư Chi bộ thôn phấn khởi cho biết: “Thôn Khe Bành hiện nay thường xuyên tổ chức họp trực tuyến, vừa tiết kiệm thời gian vừa triển khai công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả. Hình thành thói quen sử dụng công nghệ số của người dân chính là giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhà văn hóa của chúng tôi là một địa chỉ điển hình trong 122 “Nhà văn hóa số” của huyện. Những trang thiết bị trong nhà văn hóa như: hệ thống âm thanh, wifi, màn hình tivi… đều được bà con trong thôn tự đóng góp tiền để mua đấy”.
Thôn Khe Bành hiện đã phủ sóng điện thoại di động 4G; 95% số hộ gia đình có điện thoại thông minh; gần 80% số người dân đã cài đặt và được hướng dẫn tạo tài khoản dịch vụ công để giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công tỉnh và sử dụng nền tảng “Sổ sức khỏe điện tử”… Hiện nay, Khe Bành vẫn tiếp tục thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí “Thôn CĐS”; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng, công nghệ số mới để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao trải nghiệm cuộc sống.
Nếu như trước đây, mỗi lần sinh hoạt chi bộ, bà Nguyễn Thị Huyền – Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 5, phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ phải cần nhiều thời gian để gọi điện hoặc đến từng nhà thông báo tới từng đảng viên về thời gian, nội dung sinh hoạt thì nay đã khác. Những công việc của Chi bộ đã được giải quyết nhanh gọn bởi 100% đảng viên đều sử dụng điện thoại thông minh, có cài đặt và sử dụng ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử”.
Ngoài ra, Chi bộ còn thành lập nhóm Zalo để thông báo, trao đổi công việc chung. “Tháng 9, tổ dân phố số 5 đã thành lập “Tổ dân phố số”. Đến nay, tổ đã có 100% hộ có người dùng điện thoại thông minh. Tổ đã thiết lập kênh thông tin số để tương tác với người dân thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook; 100% số hộ thanh toán các dịch vụ điện, nước, học phí, các khoản phí, lệ phí không sử dụng tiền mặt; trên 90% số người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Công dân số YenBai-S trên thiết bị điện thoại thông minh” – bà Huyền cho biết.
Cùng với các địa phương thực hiện triển khai thí điểm CĐS cấp xã hay xây dựng thôn nông thôn mới thông minh, nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã và đang tích cực tham gia hoạt động CĐS đến tận thôn bản, tổ dân phố. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi địa phương có lộ trình và cách thực hiện khác nhau nhưng đều chung một mục tiêu là thu hẹp khoảng cách số, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.
Các tổ CĐS cộng đồng đã phát huy vai trò hạt nhân, là “cánh tay nối dài” giúp cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện nhiệm vụ CĐS tại cơ sở; trực tiếp giúp cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực về CĐS, tập trung mạnh vào tuyên truyền nâng cao nhận thức CĐS, kỹ năng công nghệ số cho người dân, hướng dẫn người dân cài đặt sử dụng các nền tảng số thiết yếu phục vụ cuộc sống.
Một số địa phương đã tổ chức chiến dịch rộng khắp và chỉ đạo các tổ CĐS cộng đồng thực hiện đưa nền tảng số đến người dân theo phương châm “đi tận ngõ, gõ tận nhà”, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, tương tác với chính quyền mọi lúc, mọi nơi và thụ hưởng các giá trị CĐS mang lại. CĐS đã góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, xây dựng một xã hội số hạnh phúc hơn.
Đến nay, tỉnh Yên Bái có 1.356 thôn CĐS, tổ dân phố số. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về CĐS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, Yên Bái đã thành lập 1.529 tổ CĐS cộng đồng tại 100% xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố với 10.851 thành viên tham gia.
Hồng Duyên